Monday, July 26, 2021

Học Cách Thở Để Chống Dịch Covid, Cách Thở Để Phục Hồi, Cách Thở Để Phòng Bệnh

 Dịch Covid đang ngày càng diễn biến phức tạp, khi virus corona xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công vào hệ hô hấp của chúng ta. Khi cơ thể đủ ô-xy, cơ thể sẽ có sức đề kháng tốt hơn và có khả năng khỏi bệnh nhanh hơn. Vậy, làm thế nào để cung cấp đủ ô-xy cho cơ thể khi hệ hô hấp và lá phổi bị tấn công? 

Làm sao để học được cách thở chủ động để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn? Mời các bạn đọc bài viết tổng hợp sau với chủ đề: Học Cách Thở Để Chống Dịch Covid, Cách Thở Để Phòng Bệnh, Cách Thở Để Phục Hồi. Chúc các bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, an vui và hạnh phúc! 

1. Thở để chốn​g dịch

Khi tự cách ly trong phòng khách sạn nhỏ ở thành phố Salt Lake vì bị nhiễm Covid-19, tôi quan sát rất kỹ ảnh hưởng của virus lên sức khỏe của mình.

Đó là tháng 4/2020 ở tiểu bang Utah, Mỹ. Vài ngày đầu, ngoài sốt cao, tôi cảm thấy hơi thở ngày càng khó. Nó đòi hỏi tôi phải ý thức hít mạnh như cơ thể đang đói oxy. Đây là lúc tôi nhận ra, Covid-19 rất khác với các bệnh cảm cúm.

Cổ họng tôi rất rát. Những cơn sốt cao đến và kéo dài. Khi bớt sốt, người tôi cảm thấy mất sức rõ rệt và hơi thở nặng nề hơn. Thêm nữa, những cơn ho có đờm và có độ bám khá lạ. Ở trong phòng một mình, cơ thể yếu đi và tôi cảm thấy lo lắng, nhưng biết rằng sợ hãi không giúp mình kháng bệnh.

Là người nghiên cứu khoa học, tôi tự tra cứu thông tin trên mạng về hệ thống hô hấp và cách não bộ con người điều khiển hơi thở. Một khám phá rất đáng ngạc nhiên, đó là dung tích trung bình bình thường mỗi lần hít vào thở ra của một người chỉ 500 mL không khí trong khi dung lượng tối đa mà phổi có thể sử dụng cho việc hít thở là 4.600 mL. Điều này có nghĩa, bình thường chúng ta chỉ sử dụng khoảng 10% chức năng của phổi.

Cái khó là não con người điều tiết hoạt động hít thở một cách tự động theo bản năng bởi hệ thần kinh thực vật. Chúng ta thường không biết khi nào mình hít vào hay thở ra. Do đó, khi virus công phá hệ hô hấp, ta mất dần khả năng sử dụng 10% đó của phổi và không biết phương án nào thay thế.

Nhưng chúng ta còn những 90% chức năng phổi chưa khai thác, tại sao không tìm cách tận dụng chúng để cơ thể biết cách nâng cao khả năng sử dụng phổi? Và nếu có bị Covid công phá hệ hô hấp thì khả năng vượt qua nguy kịch thiếu oxy cao hơn. Đây chính là một trong những mục tiêu của môn thể dục mind-body mà tôi bắt đầu có ý tưởng xây dựng từ lúc ấy.

Từ nền tảng kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học, khoa học sức khỏe cùng với kinh nghiệm về Yoga, Khí công và Thái cực quyền, tôi bắt đầu kiến tạo những nguyên tắc hoạt động mới cho môn này và dùng chính mình làm thí nghiệm.

Tôi nằm trên giường, dùng tâm trí kiểm soát hơi thở, cố giữ hơi thở sâu và đều. Khi nào ngủ sẽ ngủ, còn khi thức thì kiểm soát hơi thở, hoặc làm một số động tác thể dục nhẹ để máu luân chuyển khắp người.

Hồi còn trẻ, tôi đọc một cuốn sách về Yoga. Trong sách có một câu tôi nhớ mãi: "Ai kiểm soát được hơi thở sẽ kiểm soát được cuộc sống". Do vậy, tôi không làm gì ngoài việc chăm sóc hơi thở, lắng nghe cơ thể mình khi tự cách ly.

Những ngày sau đó, ho vẫn còn nhưng giảm dần. Sau 10 ngày cách ly, tôi nhận kết quả âm tính và tự lái xe về nhà.

Trở về nhà, tôi tiếp tục nghiên cứu, phát triển phương pháp thở mới, tôi thấy sức khỏe tiến bộ rõ, cơ bắp dẻo dai và mạnh mẽ hơn, tinh thần và giấc ngủ cũng tốt hẳn lên. Sau một năm nghiên cứu và thí nghiệm, kết quả trên cá nhân thật sự ngoài tưởng tượng. Đầu năm 2021, tôi thử nghiệm với hai người bạn lớn tuổi U70, U80 và gần đây với một phụ nữ 36 tuổi, chỉ sau một tháng tập thở mind-body, họ đều thừa nhận sức khỏe tiến triển rất tích cực.

Phương pháp tập thở này dựa trên khoa học thần kinh. Ta dùng ý thức điều khiển hơi thở để tối ưu khả năng sử dụng chức năng của phổi qua việc tăng lượng không khí hít vào, tối ưu khả năng chuyển đổi chất ở phổi và từ đó giúp kích hoạt não bộ tốt hơn do tăng nồng độ oxy lên não. Sự độc đáo thể hiện qua việc hít vào hai lần và thở ra hai lần trong một nhịp thay vì thông thường một lần hít vào và một lần thở ra mỗi nhịp. Phương pháp thở này có thể phối hợp với các động tác di chuyển cơ thể giúp cơ bắp ngày càng dẻo dai, linh hoạt, mạnh mẽ và săn chắc.

Tôi mới chia sẻ trên mạng các video hướng dẫn thở đứng, ngồi và nằm cũng như một số bài thể dục mà mọi người ở mọi lứa tuổi có thể tập tại nhà trong thời gian cách ly xã hội. Khi sức khỏe chúng ta tốt, hệ miễn dịch cũng tốt lên.

Bác sĩ ở Việt Nam đã bắt đầu hướng dẫn F0 và F1 cách thở tại nhà. Với tình hình dịch Covid-19 đang rất phức tạp, bạn có hai lựa chọn trong lúc cách ly xã hội ở nhà: Ngồi chờ ngày chích vaccine nhưng chưa biết khi nào và tập thể dục - đặc biệt tập thở để tăng cường năng lực của phổi, từ đó tăng cường khả năng chống dịch nếu bị nhiễm virus.

Khi nhà nước đang triển khai các phương án nhằm chống Covid-19 lan rộng, tôi cho rằng việc tập trung cải thiện sức khỏe từng cá nhân là một "phương án chống dịch" tích cực, đỡ tốn kém và lành mạnh.

Khi tưởng như không thể làm gì, sống chậm giúp ta nhìn lại những điều thật sự quan trọng với mình và gia đình. Mình không chỉ sống cho mình mà còn cho những người xung quanh.

(Theo Giáo sư hóa học Trương Nguyện Thành, VnExpress)

2. Ai cũng thở nhưng THỞ như thế nào để KHỎE bạn đã biết chưa?

 

3. Tập trị liệu hít thở phục hồi sau Covid-19 với BS Wynn Tran

 

4.  Phương pháp hít thở của BS Nguyễn Khắc Viện

(Sống thêm 50 năm chỉ nhờ... bài thở, sau khi đã cắt 1 lá phổi bên phải và 1 bên phổi chỉ còn lại 2/3 lá phổi bên trái)

Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa năm 1941.

Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.

Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!

Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn Tâm lý-Xã hội học do tôi phụ trách tại Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ Y tế Thành phố (nay là Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989).  Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.

Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lại trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt.

Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông. Trước kia tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng,  phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít  nhọc mệt hơn và sức khỏe tốt hơn.  Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc nhưng tôi chỉ chọn một vài loại thực sự cần thiết còn thì chỉ… dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình!

Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh…của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:

Thót bụng thở ra

Phình bụng thở vào

Hai vai bất động

Chân tay thả lỏng

Êm chậm sâu đều

Tập trung theo dõi

Luồng ra luồng vào

Bình thường qua mũi

Khi gấp qua mồm

Đứng ngồi hay nằm

Ở đâu cũng được

Lúc nào cũng được!

(Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, thaythuocvietnam.vn)

5.  Hơi thở nhiệm mầu A - TT. Thích Chân Quang

  

Hơi thở nhiệm mầu B - TT. Thích Chân Quang  

6. Lợi ích của việc tập thở
- Đối với hệ hô hấp: Thở đúng cách có tác dụng đưa được nhiều dưỡng khí vào tận đáy phổi và đỉnh phổi mà bình thường khí không đến được. Bên cạnh đó là luyện các cơ hô hấp như cơ liên sườn, cơ hoành, chống lại hiện tượng xơ cứng các khớp ở lồng ngực, hỗ trợ giúp tống dịch ra khỏi phổi.

- Đối với hệ tuần hoàn: Thở đúng cách giúp lưu thông tuần hoàn máu tốt hơn. Khi các cơ hô hấp co bóp mạnh, làm thay đổi áp suất trong lồng ngực, ổ bụng thì máu lưu thông sẽ tốt hơn, tránh tình trạng ứ đọng.

- Đối với hệ thần kinh: Khi tuần hoàn lưu thông thì các tế bào thần kinh được nuôi dưỡng tốt hơn, điều hòa hệ thần kinh thực vật, giúp điều chỉnh cảm xúc, tâm lý.


- Cần thận trọng với các trường hợp lao phổi đợt cấp, chấn thương lồng ngực, tràn khí màng phổi.

7. Lợi ích của việc tập vận động
- Tăng sức bền của cơ thể, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh

- Phòng tránh teo cơ, cứng khớp

- Tăng cung lượng tim, tăng cường lưu thông tuần hoàn dinh dưỡng cả cơ thể

- Tăng cường đào thải chất cặn bã và chuyển hóa vật chất

8. Tập thở đúng cách
- Tư thế: nằm ngửa đầu gối gập 45°, ngồi hoặc đứng

- Thực hiện hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Khi hít sâu vào lồng ngực căng lên, bụng phình lên, sau đó từ từ thở ra hết. Thực hiện kỹ thuật như vậy nhiều lần một cách nhịp nhàng.

 



9. Tập vận động đúng cách
- Tập thể dục nhẹ nhàng tùy vào sức của cơ thể, có thể tập yoga, dưỡng sinh…

- Nên duy trì tập luyện ngày từ 1-2 lần, mỗi lần 30 phút, uống đủ nước trước và sau khi tập luyện.
 
(Theo http://vsh.org.vn) 
 
Học Cách Thở Để Chống Dịch Covid, Cách Thở Để Phục Hồi, Cách Thở Để Phòng Bệnh
 

0 comments:

Post a Comment

Happy Book - Thiết Kế Cuộc Đời Hạnh Phúc của Bạn

Happy Book - Thiết Kế Cuộc Đời Hạnh Phúc của Bạn
Liên hệ với chúng tôi để được Tư vấn Miễn Phí SỐ ĐƯỜNG ĐỜI của bạn!

Bài Viết Phổ Biến

Happy Book - Giúp Bạn Trả Lời 9 Câu Hỏi Quan Trọng

Số Học Ứng Dụng - Thiết Kế Cuộc Đời Hạnh Phúc

Số Học Ứng Dụng - Thiết Kế Cuộc Đời Hạnh Phúc

3 Bước Ứng Dụng Tinh Hoa Số Học Vào Cuộc Sống

Categories

Thư Viện Bài Viết

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Grants For Single Moms